Sữa đầu và sữa (Phần V)

Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát

4.3. Tác dụng của các chất miễn dịch trong sữa đối với kháng nguyên trong thức ăn và hệ vi sinh đường ruột

Sự hữu ích của kháng thể trong sữa đối với sức đề kháng của heo con còn được thể hiện ở khả năng ngăn ngừa sự hấp thu những chất độc hay kháng nguyên hiện diện trong thức ăn. IgA bám vào một số loại kháng nguyên trong thức ăn và tạo thành phức hợp kháng nguyên – kháng thể với khối lượng phân tử lớn, khó bị hấp thu nên làm giảm nguy cơ các kháng nguyên này xâm nhập vào dòng máu. Điều này được ghi nhận sau khi người ta phát hiện ra rằng những đối tượng thiếu IgA thường hình thành đáp ứng miễn dịch chống lại các kháng nguyên tự nhiên trong thức ăn. Cơ chế bảo vệ này của IgA giúp cơ thể thú cũng như người tránh hình thành những bệnh dị ứng với các thành phần của thức ăn (Brandtzaeg, 2002).

Đồng thời cũng có những loại kháng nguyên thức ăn hoặc các kháng nguyên của hệ vi sinh vật đường ruột, mà sự kết hợp với sIgA sẽ dẫn đến việc kích thích đáp ứng miễn dịch địa phương tại màng nhầy ruột. Điều này rất quan trọng trong quá trình hình thành một sức đề kháng tốt của hệ miễn dịch toàn thân cũng như tại các màng nhầy. Quá trình này đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực của các tế bào M trên biểu mô ruột, là loại tế bào có biểu hiện các thụ thể dành cho sIgA trên bề mặt (Hình 10).

Hơn nữa, vai trò đề kháng của kháng thể trong sữa còn được thể hiện ở khả năng ngăn chặn sự khu trú và sinh sôi của vi sinh vật trên niêm mạc ruột, bất kể đó là vi sinh vật gây bệnh hay vi sinh vật có lợi. Điều này vừa giúp ngăn cản sự bám dính và xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, vừa giúp cho cơ thể ít bị kích thích bởi các vi sinh vật không gây bệnh nhằm giảm tối đa tiêu tốn năng lượng cho việc hình thành đáp ứng miễn dịch một cách vô ích. Bởi vì hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể có phương pháp nhận diện vi sinh vật thông qua các dấu ấn bề mặt hay các phân tử bề mặt của chúng. Phương pháp nhận diện này mang tính phổ quát, rộng và đa dạng nhưng chúng lại thiếu tính đặc hiệu, nên không thể phân biệt được vi sinh vật gây bệnh hay vi sinh vật có lợi. Để hiểu rõ hơn về phương pháp nhận diện vi sinh vật của hệ miễn dịch bẩm sinh, xin tham khảo phần ‘Hệ thống miễn dịch bẩm sinh’. 

Do sự hiện diện dày đặc của các vi sinh vật có lợi trong đường ruột nên vai trò trung hòa của IgA chỉ có lợi cho cơ thể như đã trình bày ở trên, chứ không làm suy giảm quần thể của những vi sinh vật này. IgA, với chức năng ngăn cản các vi khuẩn cư trú (colonization) trên niêm mạc ruột vẫn hoạt động song song với những vi sinh vật có lợi, thể hiện mối tương quan chặt chẽ giữa cơ chế đề kháng của cơ thể và hệ vi sinh đường ruột nhằm bảo toàn một môi trường đường ruột cân bằng và mạnh khỏe.

Ngoài ra, vì các vi sinh vật có lợi hiện diện với số lượng rất lớn nên vẫn liên tục kích thích hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thích ứng đặc hiệu hình thành đáp ứng miễn dịch đối với chúng. Các đáp ứng này hầu hết đều xảy ra mà không có sự tham gia của các lympho T giúp (Macpherson et al., 2000). Những đáp ứng miễn dịch thể dịch (sản xuất kháng thể) không phụ thuộc lympho T giúp thường diễn ra ở mức độ thấp; không hình thành trí nhớ miễn dịch; quá trình chuyển lớp chuỗi nặng chỉ xảy ra ở mức độ thấp; tính đặc hiệu dừng ở mức độ thấp đến trung bình do quá trình đột biến vùng siêu biến để tăng tính đặc hiệu của kháng thể đối với quyết định kháng nguyên (epitope) cũng xảy ra rất yếu. Tính đặc hiệu giảm đi cũng có nghĩa là khả năng phản ứng với các kháng nguyên khác nhau tăng lên. Nhờ đó, các kháng thể (chủ yếu là IgA) được sản sinh ra ngay tại cơ quan lympho của đường ruột (một phần là bởi các lympho B có sẵn trong sữa đầu, nay khu trú trong cơ quan lympho ruột như đã trình bày ở trên) có thể đề kháng tốt đối với luồng kháng nguyên mới lạ liên tục đi qua đường ruột (Inoue et al., 2005). Đây được xem là một cơ chế miễn dịch nguyên thủy và đặc biệt được phát triển, tiến hóa riêng cho hệ miễn dịch hoạt động tại màng nhầy ruột (Macpherson et al., 2000).

Tài liệu tham khảo

1. Inoue, R., Otsuka, M., Ushida, K., 2005. Development of intestinal microbiota in mice and its possible interaction with the evolution of luminal IgA in the intestine. Exp Anim 54, 437-445.

2. Macpherson, A.J., Gatto, D., Sainsbury, E., Harriman, G.R., Hengartner, H., Zinkernagel, R.M., 2000. A primitive T cell-independent mechanism of intestinal mucosal IgA responses to commensal bacteria. Science 288, 2222-2226.

3. Brandtzaeg, P. Role of local immunity and breast-feeding in mucosal homeostasis and defence against infections. In Nutrition and Immune Function 1st edn Vol. 1 Ch. 14 (eds Calder, P. C., Field, C. J. & Gill, H. S.) 273–320 (CABI Publishing, Oxon, UK, 2002).

4. Brandtzaeg, P. 2010. Food allergy: separating the science from the mythology. Nat Rev Gastroenterol Hepatol 7:380-400.

Các tin khác