Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát
3.3. Các loại tế bào hiện diện trong sữa
Mọi loài động vật có vú đều tiết vào trong sữa nhiều loại tế bào như lympho bào, đại thực bào, các tế bào bạch cầu có hạt (như bạch cầu ưa axit, bạch cầu trung tính), tế bào biểu mô và các tế bào không có nhân. Xét về tỷ lệ thì tổng số lượng tế bào trong sữa, khoảng 1-1.6x106 (1-1.6 triệu) tế bào trong mỗi ml sữa, được cấu thành từ 47% bạch cầu trung tính, 10% lympho bào, 9% đại thực bào, 1% bạch cầu ưa axit, 31% tế bào biểu mô và 2% còn lại thuộc về các loại tế bào khác (Schollenberger et al., 1986a). Loại tế bào và số lượng của chúng tùy thuộc vào giai đoạn của chu kỳ cho sữa, sự phát triển của tuyến vú và những yếu tố khác tùy loại cơ địa. Ví dụ, sữa đầu rất dồi dào các tế bào thực bào (đại thực bào, bạch cầu trung tính) còn trong sữa thì chủ yếu là các tế bào biểu mô. Khoảng 26% lượng tế bào trong sữa là các lympho bào. Trong tổng số lympho đó thì lympho B chiếm 30% và phần còn lại là các lympho T (Evans et al., 1982; Schollenberger et al., 1986a; Schollenberger et al., 1986b, c).
Sau khi lách qua lớp biểu mô ruột của heo sơ sinh, các tế bào lympho di chuyển đến các hạch bạch huyết màng treo ruột và các cơ quan khác. Công việc đầu tiên của những tế bào mẹ truyền này là kích thích phản ứng miễn dịch của heo con, trước hết là đối với những kháng nguyên không đặc hiệu. Nhờ đó, khi đạt 7 ngày tuổi, heo con đã sở hữu một lượng đáng kể lympho B và tương bào sản xuất kháng thể có mặt trong biểu mô đường ruột, trong các cơ quan lympho ngoại vi cũng như trong tủy xương. Những tế bào bạch cầu từ sữa đầu hiện diện trong biểu mô ruột cũng được chứng minh là có khả năng bảo vệ heo con chống lại các viêm nhiễm đường ruột, ví dụ như làm giảm và làm chậm hiện tượng viêm ruột do virus gây viêm dạ dày ruột truyền nhiễm TGE (Cepica and Derbyshire, 1984).

Các tế bào miễn dịch trong sữa đầu cũng được cơ thể heo con tiếp nhận một cách có chọn lọc. Thí nghiệm đã được tiến hành để so sánh khả năng hấp thu của cơ thể heo con cũng như các vật nuôi khác đối với các tế bào bạch cầu được thu nhận từ: 1/ sữa đầu của mẹ ruột; 2/ máu của mẹ ruột; 3/ sữa đầu của mẹ đẻ khác; 4/ sữa đầu của mẹ ruột nhưng đã xử lý nhiệt. Kết quả thí nghiệm cho thấy chỉ các tế bào bạch cầu có nguồn gốc từ sữa đầu của mẹ ruột có khả năng lách qua kẽ tế bào để đi vào mô ruột, từ đó chúng được đón nhận vào hệ thống bạch huyết và di chuyển về các hạch bạch huyết màng treo ruột. Những tế bào này đã có thẩm quyền miễn dịch (đã hoạt hóa) và sẵn sàng đáp ứng đối với kháng nguyên (Tuboly and Bernath, 2002; Tuboly et al., 1988). Tuy vậy, sữa đầu cũng chứa những phân tử có khả năng điều hòa và hạn chế hoạt động của những tế bào trong sữa đầu, có lẽ là để tránh các hiện tượng phản ứng miễn dịch xảy ra quá gay gắt trong cơ thể còn yếu của thú con. Các phân tử điều hòa này có nhiệm vụ làm cho hoạt động của các tế bào, nhất là lympho T giết (Tc) và tế bào giết tự nhiên (NK) (có nhiệm vụ tiêu diệt tế bào bị nhiễm virus) xảy ra một cách chậm rãi hơn, đòi hỏi nhiều kháng thể tham gia hơn (Kohl et al., 1980). Để hiểu rõ hơn về hoạt động của lympho Tc và tế bào NK, xin tham khảo các bài viết trong mục ‘Miễn dịch’.
Các tế bào thực bào trong sữa đã được chứng minh là có khả năng thực hiện việc thực bào trong đường ruột thú con, tuy cường độ thực bào của chúng không mạnh bằng các đại thực bào trong phổi hoặc các bạch cầu trung tính trong máu của heo mẹ tại thời điểm đó. Ngược lại, mặc dù các lympho CD4 T hay CD8 T trong sữa được xác định là các tế bào lympho T đã biệt hóa thành các loại tế bào nhớ (memory T cells) tương tự như những lympho T hiện diện trong máu ngoại vi của nái mẹ, nhưng cơ chế hoạt động của chúng trong đường ruột heo con chưa được biết rõ. Dựa vào các thụ thể biểu hiện trên bề mặt, các nhà khoa học cũng đã xác nhận rằng không phải tất cả mọi lympho T trong sữa có nguồn gốc từ máu của mẹ, mà một phần trong số chúng có nguồn gốc từ nhóm lympho T đã định cư trong biểu mô tuyến vú. Ngoài ra, lympho T trong sữa không biểu hiện thụ thể CCR9 (một thụ thể dành cho chemokine) trong khi các lympho T trong biểu mô đường ruột thì có CCR9. Câu hỏi đặt ra là các lympho T trong sữa sau khi định cư trong mô ruột thì sẽ biểu hiện CCR9 hay các lympho có CCR9 là một tập hợp các lympho khác và không có nguồn gốc từ sữa? Nghiên cứu đang tiếp diễn để làm rõ chức năng và cơ chế hoạt động của các lympho trong sữa mẹ.
Tài liệu tham khảo
1. Cepica, A., Derbyshire, J.B., 1984. The effect of adoptive transfer of mononuclear leukocytes from an adult donor on spontaneous cell-mediated cytotoxicity and resistance to transmissible gastroenteritis in neonatal piglets. Can J Comp Med 48, 360-364.
2. Evans, P.A., Newby, T.J., Stokes, C.R., Bourne, F.J., 1982. A study of cells in the mammary secretions of sows. Vet Immunol Immunopathol 3, 515-527.
3. Kohl, S., Pickering, L.K., Cleary, T.G., Steinmetz, K.D., Loo, L.S., 1980. Human colostral cytotoxicity. II. Relative defects in colostral leukocyte cytotoxicity and inhibition of peripheral blood leukocyte cytotoxicity by colostrum. J Infect Dis 142, 884-891.
4. Schollenberger, A., Degorski, A., Frymus, T., 1986a. Cells of sow mammary secretions. I. Morphology and differential counts during lactation. Zentralbl Veterinarmed A 33, 31-38.
5. Schollenberger, A., Frymus, T., Degorski, A., 1986b. Cells of sow mammary secretions. II. Characterization of lymphocyte populations. Zentralbl Veterinarmed A 33, 39-46.
6. Schollenberger, A., Frymus, T., Degorski, A., 1986c. Cells of sow mammary secretions. III. Some properties of phagocytic cells. Zentralbl Veterinarmed A 33, 353-359.
7. Tuboly, S., Bernath, S., 2002. Intestinal absorption of colostral lymphoid cells in newborn animals. Adv Exp Med Biol 503, 107-114.
8. Tuboly, S., Bernath, S., Glavits, R., Medveczky, I., 1988. Intestinal absorption of colostral lymphoid cells in newborn piglets. Vet Immunol Immunopathol 20, 75-85.
9. Ballard, O., and A. L. Morrow. 2013. Human milk composition: nutrients and bioactive factors. Pediatr Clin North Am 60:49-74.
10. Jin, Y. Y., Z. Wei, R. M. Cao, W. Xi, S. M. Wu, and T. X. Chen. 2011. Characterization of immunocompetent cells in human milk of Han Chinese. J Hum Lact 27:155-162.
11. Penttila, I. A., I. E. Flesch, A. L. McCue, B. C. Powell, F. H. Zhou, L. C. Read, and H. Zola. 2003. Maternal milk regulation of cell infiltration and interleukin 18 in the intestine of suckling rat pups. Gut 52:1579-1586.