Sữa đầu và sữa (Phần II)

Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát

3. Các yếu tố miễn dịch trong sữa đầu

3.1. Các loại kháng thể đặc hiệu

IgG là loại kháng thể đặc hiệu chủ yếu hiện diện trong sữa đầu, trong khi loại kháng thể đặc hiệu chủ yếu trong sữa là IgA (để hiểu rõ hơn sự khác biệt của các loại kháng thể, xin tham khảo phần ‘Kháng thể’). Tỉ lệ của IgA và IgG trong sữa đầu lần lượt là khoảng 20% và 80%, nhưng trong sữa thì ngược lại IgG chỉ chiếm tối đa 15-45% tùy giai đoạn và cá thể. Bằng cách đánh dấu phóng xạ, người ta ghi nhận rằng 100% IgG, 85% IgM và 40% IgA trong sữa có nguồn gốc từ trong máu của mẹ. IgG được ưu tiên vận chuyển từ máu vào tuyến vú và tiết vào sữa đầu nhờ các thụ thể vận chuyển. Lúc này lượng IgG trong huyết tương của mẹ giảm rõ rệt (Salmon et al., 2009). 

IgA trong sữa là một hỗn hợp của ba loại cấu trúc: dạng đơn  phân tử (monomer), dạng đôi phân tử (dimer) không kèm mảnh tiết và dạng đôi phân tử kèm mảnh tiết (dirmer with secretory component, viết tắt là sIgA) (Hình 4). Trong đó, hai dạng đơn và dạng đôi không kèm mảnh tiết có số lượng ngang nhau. Mảnh tiết là một protein có nhiệm vụ vận chuyển kháng thể từ trong máu hoặc từ trong lớp dưới biểu mô đi xuyên qua lớp biểu mô để vào sữa. Sau khi bám vào phân tử IgA, mảnh tiết tiếp tục bám vào thụ thể của nó ở bề mặt đáy của tế bào biểu mô tuyến, kích thích hiện tượng nhập bào, sau đó được xuất bào ở bề mặt tế bào biểu mô tuyến để vào sữa. Trong những ngày đầu của chu kỳ tiết sữa, IgA trong sữa được vận chuyển từ trong máu vào sữa. Sau khoảng ngày thứ 8 của chu kỳ tiết sữa thì IgA trong sữa có nguồn gốc từ các tương bào sản xuất IgA hiện diện trong tuyến vú.

Biểu mô ruột hấp thu kháng thể: mặc dù tế bào biểu mô ruột có mang các thụ thể đặc hiệu cho phần Fc của phân tử kháng thể (xem thêm trong phần ‘Kháng thể’, nhưng người ta thấy rằng có lẽ những thụ thể này không đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu các phân tử kháng thể. Trên thú con, việc hấp thu các kháng thể IgG, IgA và IgM trong sữa xảy ra thông qua cơ chế xuyên bào (transcytosis), trong đó kháng thể được vận chuyển từ đỉnh xuống đáy của tế bào biểu mô ruột và đi vào máu. Quá trình xuyên bào bị cản trở bởi các bệnh đường ruột, nhất là bệnh gây viêm biểu mô ruột, nhưng được tăng cường bởi các yếu tố hiện diện trong sữa đầu. Quan sát khoa học cũng cho thấy các IgA nguồn gốc từ sữa, sau khi được hấp thu vào máu heo con sẽ lại được vận chuyển xuyên bào để đi ra các bề mặt màng nhầy của các cơ quan như đường hô hấp, đường tiêu hóa. Tương tự như vậy, khi hệ miễn dịch đã phát triển, các IgA trong máu hoặc được sản xuất trong màng nhầy sẽ được vận chuyển xuyên bào và tiết ra ngoài bề mặt để trực tiếp trung hòa kháng nguyên lạ xâm nhập.

Kháng thể mẹ truyền có tác dụng trung hòa, tiêu diệt vi sinh vật hoặc kháng nguyên để bảo vệ cho heo con. Tuy nhiên, kháng thể mẹ truyền, nhất là các IgG, cũng làm giảm khả năng sản xuất kháng thể của chính cơ thể heo con. Người ta giải thích hiện tượng này là do kháng thể mẹ truyền đã tiêu diệt kháng nguyên trước khi hệ thống miễn dịch của heo con nhận diện kháng nguyên nên hệ thống miễn dịch của heo con không có cơ hội được hoạt hóa và sản xuất kháng thể; hoặc chúng có tác dụng ức chế trực tiếp lên các lympho B của heo con. Tác dụng trung hòa kháng nguyên của kháng thể mẹ truyền cũng góp phần làm giảm hiệu quả của vacxin tiêm vào cơ thể heo con nếu việc tiêm phòng được thực hiện vào thời điểm lượng kháng thể mẹ truyền còn cao trong cơ thể heo con. 

3.2. Các yếu tố thể dịch khác trong sữa 

Ngoài các kháng thể đặc hiệu, sữa đầu của heo chứa yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGF, epithelial growth factor) ở mức khoảng 1500ng/ml sữa đầu và yếu tố tăng trưởng biệt hóa beta (TGFβ, transforming growth factor β) ở mức 250ng/ml. EGF tăng tốc cho sự phát triển của ruột và cũng giúp cơ thể heo con tăng sản xuất TGFβ. Trong khi đó, TGFβ có tác dụng ức chế hiện tượng tự miễn dịch (là đáp ứng miễn dịch đối với chính những thành phần (protein) của cơ thể, làm tổn hại cơ thể). Đồng thời, TGFβ cũng có chức năng hỗ trợ quá trình chuyển lớp chuỗi nặng của tương bào để sản xuất IgA thay vì tiếp tục sản xuất IgM.

Bên cạnh đó, các chất biến dưỡng của axit retinoic (nguồn gốc từ vitamin A) cũng được tìm thấy nhiều trong sữa mẹ. Các chất này có tác dụng kích thích sự phát triển và trưởng thành của các lympho bào B và T trong hệ thống lympho của đường ruột (Mora and von Andrian, 2004; Saurer et al., 2007). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ vitamin A cho heo nái cũng như heo con. Quá trình chuyển giao các cytokine từ trong sữa đầu vào hệ tuần hoàn của heo con đạt đỉnh điểm sau khi sinh khoảng 2 ngày (48 tiếng), đây cũng chính là thời điểm kết thúc của khoảng thời gian biểu mô ruột của heo con có khả năng hấp thu các thành phần của sữa đầu cao nhất. 

Tài liệu tham khảo

1. Mora, J.R., von Andrian, U.H., 2004. Retinoic acid: an educational "vitamin elixir" for gut-seeking T cells. Immunity 21, 458-460.

2. Salmon, H., Berri, M., Gerdts, V., Meurens, F., 2009. Humoral and cellular factors of maternal immunity in swine. Dev Comp Immunol 33, 384-393.

3. Saurer, L., McCullough, K.C., Summerfield, A., 2007. In vitro induction of mucosa-type dendritic cells by all-trans retinoic acid. J Immunol 179, 3504-3514.

4. Haiyan Sun and Håvard Jenssen, 2012. Milk Derived Peptides with Immune Stimulating Antiviral Properties. INTECH Open Science. DOI: 10.5772/50158

5. Cattaneo, R., T. Miest, E. V. Shashkova, and M. A. Barry. 2008. Reprogrammed viruses as cancer therapeutics: targeted, armed and shielded. Nat Rev Microbiol 6:529-540.

6. Fouda, G. G., F. H. Jaeger, J. D. Amos, C. Ho, E. L. Kunz, K. Anasti, L. W. Stamper, B. E. Liebl, K. H. Barbas, T. Ohashi, M. A. Moseley, H. X. Liao, H. P. Erickson, S. M. Alam, and S. R. Permar. 2013. Tenascin-C is an innate broad-spectrum, HIV-1-neutralizing protein in breast milk. Proc Natl Acad Sci U S A 110:18220-18225.

Các tin khác