Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát
1. Giới thiệu
Không giống như các loài động vật có vú nuôi thai bằng nhau thai như người, loài gặm nhấm (các loại chuột, sóc, rái cá…) hay thỏ, nhau thai của heo có lớp biểu mô màng đệm, không cho phép phân tử protein kháng thể đi qua. Vì vậy, trong khi những loài động vật có vú khác có thể truyền kháng thể qua nhau cho bào thai nhưng heo thì không thể hoặc với số lượng vô cùng ít ỏi nên trong thực tiễn, người ta xem như heo con mới sinh hoàn toàn không có kháng thể đặc hiệu trong cơ thể. Như thế, khả năng đề kháng bệnh của heo sơ sinh phụ thuộc hoàn toàn vào hàng rào bảo vệ bẩm sinh (xem phần ‘Miễn dịch bẩm sinh’) và các phân tử cũng như tế bào miễn dịch nhận được từ mẹ thông qua sữa đầu và sữa. Khả năng thiết lập đáp ứng miễn dịch thích ứng đặc hiệu của bản thân heo con chưa được phát triển đầy đủ cho đến khi chúng được khoảng 4 tuần tuổi (tuổi cai sữa) (Bianchi et al., 1999).
Trong thời gian nhạy cảm này, heo sơ sinh có nguy cơ cao mắc phải những bệnh do các vi sinh vật nguy hiểm gây ra như E. coli, Salmonella, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGEV), tiêu chảy rotavirus... Hơn nữa, do hệ thống miễn dịch của heo con chưa từng gặp kháng nguyên hay các vi sinh vật gây bệnh có mặt trong chuồng trại, nên đáp ứng miễn dịch lần đầu của chúng cũng sẽ hình thành một cách khá chậm và yếu. Do đó, đáp ứng miễn dịch lần đầu thường không đủ sức để chống lại sức tấn công mạnh mẽ của các tác nhân gây bệnh trên đường ruột hay đường hô hấp trong trường hợp cấp tính.
Vì vậy, khả năng sốt sót của heo con sơ sinh phụ thuộc rất nhiều vào quy trình chủng ngừa của nái và cơ hội chúng nhận được sữa đầu trong khoảng 12-36 giờ sau sinh. Thời gian nhận sữa đầu càng sớm càng tốt, vì càng về sau khả năng hấp thu của cơ thể heo con càng giảm. Sữa đầu sẽ cung cấp cho heo con các cytokine, các protein hoặc peptid kháng khuẩn, các kháng thể đặc hiệu cũng như các tế bào miễn dịch do hệ thống miễn dịch của thú mẹ sản xuất ra. Các kháng thể đặc hiệu trong sữa đầu và trong sữa có tác dụng trung hòa độc tố hoặc các vi sinh vật gây bệnh.
Sau khi sinh, heo sơ sinh sẽ liên tục tiếp xúc với các vi sinh vật và kháng nguyên mới xâm nhập qua các hệ thống cơ quan trong cơ thể và trên da. Số lượng vi sinh vật đi vào đường tiêu hóa của thú sơ sinh có thể khiến ta phải giật mình. Ngay cả trên người, một em bé được nuôi bằng sữa mẹ bởi một người mẹ khỏe mạnh cũng có thể phải nhận đến 109 (1 tỉ) vi sinh vật/lít sữa (Moughan et al., 1992).
2. Sơ lược sự hình thành của tuyến vú và sữa

Cấu trúc và sự phát triển của tuyến vú trên heo diễn ra tương tự như trên chuột. Trên nái hậu bị, tuyến vú có cấu trúc cơ bản là các mô mỡ và một hệ thống tuyến ống có tổ chức và với đầu tận cùng là nơi chính sẽ phát triển mạnh mẽ khi đến kỳ cho sữa. Vào giai đoạn sau của chu kỳ mang thai (ngày 75-105), lượng mô mỡ sẽ giảm đi để nhường chỗ cho sự phát triển mạnh mẽ của các nang tuyến tiết sữa cả về số lượng lẫn kích thước. Sự phát triển nhanh chóng trong thời gian này của tuyến vú trùng khớp với sự gia tăng hàm lượng hormon kích thích tuyến vú phát triển như estrogen, relaxin và prolactin. Tuyến vú sẽ phát triển hoàn toàn vào khoảng ngày thứ 105 của chu kỳ mang thai 115 ngày trên heo. Lúc này, các nang sữa sẽ căng phồng và chứa đầy sữa đầu.
Quá trình tạo sữa bắt đầu cùng với sự giảm sút của các hormon trong máu như estradiol, cortisone và progesterone. Prolactin bắt đầu gia tăng từ khoảng sau ngày thứ 70 của thai kỳ và chịu trách nhiệm điều hòa sự phát triển của tuyến vú trong giai đoạn sau sinh nhờ sự kích thích do hành động mút bú của heo con.
Sau khi sinh, tuyến vú bước vào giai đoạn sản xuất thứ hai để tạo sữa (sữa thường). Tuyến vú sẽ đạt sinh khối tối đa vào khoảng ngày thứ 21 của chu kỳ cho sữa. Trong thời gian này, nang tạo sữa sẽ tiếp tục phát triển và chiếm cứ các khu vực trước đây của mô mỡ.

Tài liệu tham khảo
1. Bianchi, A.T., Scholten, J.W., Moonen Leusen, B.H., Boersma, W.J., 1999. Development of the natural response of immunoglobulin secreting cells in the pig as a function of organ, age and housing. Dev Comp Immunol 23, 511-520.
2. Moughan, P.J., Birtles, M.J., Cranwell, P.D., Smith, W.C., Pedraza, M., 1992. The piglet as a model animal for studying aspects of digestion and absorption in milk-fed human infants. World Rev Nutr Diet 67, 40-113.
3. O'Reilly M., 2004. Mammary gland. Introduction to Veterinary Anatomy and Physiology, Butterworth Heinemann.
4. Hurley L.W., 2010. Comparative Lactation - Swine. University of Illinois, Urbana, ILlinois. USA.