Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát
2.2. Thiếu hụt miễn dịch do thiếu hụt dinh dưỡng (tiếp theo)
Hư hại miễn dịch xảy ra do thiếu hụt hoặc mất cân bằng dinh dưỡng mà khởi phát do viêm ruột có thể diễn ra theo cơ chế sau: hiện tượng viêm trong ruột kích thích đáp ứng miễn dịch do nhóm lympho T giúp loại 1 (TH1) điều khiển. Quá trình đấu tranh giữa nguyên nhân gây viêm và hệ miễn dịch dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính với các biểu hiện và bệnh tích như bội triển các hốc trong lớp dưới biểu mô, bất triển lớp lông nhung tích tụ nhiều lympho bào mang thụ thể CD25 (Hình ‘Mô ruột non’). CD25 là thụ thể tìm thấy trên nhiều nhóm lympho B và cả lympho T, nó được chú ý vì thường tăng cao ở những lympho bào tích tụ trong các mô ung thư. Tình trạng viêm ở các màng nhầy sẽ tăng lên là do các tế bào tại đó tăng sản xuất các cytokine có tính kích viêm. Để hiểu rõ hơn về cytokine, xin tham khảo phần ‘Cytokine’.

Hình ‘Mô ruột non’ cho thấy trên cơ thể mạnh khỏe, mô ruột non có nhung mao hay lông nhung (a, đường viền xanh) cao như các ngón tay chìa ra. Trên mỗi nhung mao, lớp biểu mô trụ mạnh khỏe nâng đỡ lớp vi nhung mao (V). Bên dưới lớp biểu mô và vi nhung mao là lớp đệm niêm mạc với mạng lưới mạch máu và mạch bạch huyết phong phú để tiếp nhận dinh dưỡng do lớp vi nhung mao hấp thu từ lòng ruột. Dưới chân các nhung mao là các hốc (a, đường viền đỏ) hay còn gọi là tuyến Lieberkühn làm nhiệm vụ tiết dịch ruột. Trái lại, trên cơ thể thiếu dinh dưỡng hoặc bị bệnh kém hấp thu dinh dưỡng, mô ruột non bị hư hại rõ rệt. Điển hình là sự bất triển của lớp vi nhung mao. Các tuyến Lieberkühn bội triển, cao lên song song với mào ruột (b, đường viền đỏ). Lớp đệm niêm mạc sưng dày do sự xâm lấn của các lympho bào vào khu vực này.

Sự bất triển tuyến ức và sự ức chế hình thành quần thể lympho bào được giải thích là do những xáo trộn hormon của hệ thống Hạ Tầng Thị Giác – tuyến Yên - tuyến Thượng Thận (gọi tắt là hệ thống HPA, Hypothalamus-Pituitary-Adrenal) trong cơ thể suy dinh dưỡng. Tình trạng sinh lý và môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống nội tiết HPA. Bảng 2 tóm tắt các nguyên nhân, tình trạng stress dẫn đến sự tăng hoặc giảm hoạt động của hệ thống HPA, trong đó có bao gồm nguyên nhân kém ăn, suy dinh dưỡng dẫn đến sự gia tăng hoạt động của các hormon nội tiết này.

Lượng hormon leptin (hormon điều khiển nhu cầu năng lượng và lượng ăn vào của động vật cũng như con người, tham khảo thêm trong phần ‘Hormon leptin’) trong máu thường tăng lên trong quá trình viêm nhiễm vi sinh vật trong những cơ thể khỏe mạnh nhưng ở những cá thể dinh dưỡng sai lệch thì cả leptin lẫn IGF1 (hormon kích thích tăng trưởng giống insulin) đều giảm. Tình trạng thiếu kẽm còn dẫn đến tăng lượng glucocorticoid được sản xuất. Trạng thái giảm leptin, tăng glucocorticoid là những yếu tố dẫn đến sự bất triển của tuyến ức. Ngoài ra, mức leptin thấp trong máu càng làm cho thú giảm ăn nên trữ lượng mỡ, cơ bắp càng bị teo tóp dần. Kết quả nghiên cứu cho thấy leptin không trực tiếp ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vacxin.
Dinh dưỡng sai lệch làm cho cơ thể mẫn cảm hơn với các viêm nhiễm do virus, vi khuẩn gram âm cũng như gram dương. Tình trạng viêm nhiễm vi sinh vật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân bằng hấp thu và biến dưỡng trong cơ thể, nhất là đối với những vi chất (vitamin và vi khoáng). Tuy vậy, những ảnh hưởng này là có thể sửa chữa khi khẩu phần được cân bằng hợp lý trở lại. Khi đó, các chức năng của hệ thống miễn dịch như chức năng thực bào của các tế bào thực bào, chức năng giết vi sinh vật và tế bào nhiễm của lympho T giết (Tc) và tế bào NK cũng như các chức năng khác của cả miễn dịch bẩm sinh cũng như miễn dịch thích ứng đặc hiệu đều được phục hồi. Tuy rằng tốc độ và mức độ phục hồi cũng còn tùy thuộc nhiều vào mức độ trầm trọng của vấn đề cũng như độ tuổi của đối tượng vật nuôi.
Tài liệu tham khảo
1. Cunningham-Rundles, S., McNeeley, D.F., Moon, A., 2005. Mechanisms of nutrient modulation of the immune response. J Allergy Clin Immunol 115, 1119-1128; quiz 1129.
2. Sollid, L. M. 2002. Coeliac disease: dissecting a complex inflammatory disorder. Nat Rev Immunol 2:647-655.
3. Wikipedia, 2014. Intestinal gland.
4. Total Body Psychology, 2012. The Stress Response…and how it relates to the HPA Axis!