Dinh dưỡng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào? (Phần III)

Biên soạn: TS. BSTY. Đinh Xuân Phát

2. Các vấn đề sức khỏe do thiếu dinh dưỡng cơ bản (primary malnutrition, PMC) gây ra

2.1. Ảnh hưởng tổng quát trên cơ thể

Hiện tượng PMC thường do sự thiếu hụt đồng thời của protein, năng lượng và một hay nhiều chất vi lượng như vitamin A, vitamin E, vitamin B6, vitamin B9 (axit folic), kẽm, sắt, đồng hoặc selen; nhưng cũng có thể do viêm ruột. Triệu chứng thường thấy là cơ thể suy nhược (marasmus), còi cọc mãn tính với dấu hiệu của thiếu máu và phù thũng. Lưu ý rằng sai lệch dinh dưỡng hay sự thiếu hụt dinh dưỡng không chỉ do thiếu chất trong khẩu phần, mà còn có thể xảy ra khi khẩu phần mất cân đối, nghĩa là chất này nhiều mà chất kia ít, dẫn đến cơ thể không hấp thu được (nguyên nhân này được gọi là dinh dưỡng sai lệch). Để hiểu rõ hơn về sự cân đối của khẩu phần, xin tham khảo các đề tài được trình bày trong mục ‘Dinh dưỡng’ của mỗi đối tượng vật nuôi.

Hiện tượng suy nhược cơ thể thường xảy ra trong thời kỳ cai sữa và thường dẫn đến loại thải do còi cọc mãn tính. Thú có biểu hiện da nhăn nheo, xương mặt nhô ra. Xét nghiệm máu cho thấy thiếu máu, lượng transferrin thấp, lượng albumin thấp và thiếu kẽm. Nếu kết hợp với thiếu selen thì tình trạng sức khỏe càng kém hơn. Độ tuổi của đối tượng sẽ quyết định mức độ thiếu hụt miễn dịch và tỷ lệ chết. Thiếu dinh dưỡng cơ bản dẫn đến sự bất triển của các cơ quan của hệ miễn dịch (xem thêm trong phần ‘Các cơ quan của hệ miễn dịch’). Hậu quả là thiếu hụt lympho T, dễ nhiễm bệnh, dễ bộc phát những bệnh trước đây đã trải qua, dễ nhiễm các bệnh do vi trùng cơ hội. 

Hư hại của hàng rào bảo vệ cơ thể (niêm mạc, màng nhầy) tại các cơ quan như mắt, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và hệ niệu dục, gây ra nguy cơ lớn cho sự viêm nhiễm. Các hư hại này thường xảy ra do thiếu hụt các vitamin hay vi khoáng cần thiết cho sự toàn vẹn của các niêm mạc và màng nhầy, ví dụ như vitamin A, C, E và khoáng chất như kẽm. Hư hại niêm mạc đường ruột còn ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của hệ vi sinh có lợi đường ruột dẫn đến nguy cơ cao cho sự viêm nhiễm thông qua niêm mạc ruột.

2.2. Thiếu hụt miễn dịch do thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu dinh dưỡng cơ bản chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây hiện tượng thiếu hụt miễn dịch thích ứng đặc hiệu do lympho B và lympho T phụ trách. Để hiểu rõ hơn về đáp ứng miễn dịch thích ứng đặc hiệu, xin tham khảo phần ‘Đáp ứng miễn dịch dịch thể’ và phần ‘Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào’.

Hiệu quả tiêm chủng vacxin đối với những bệnh mà cơ thể chủ yếu dùng đáp ứng miễn dịch thể dịch (kháng thể IgA, IgM, IgG) để đối phó, ví dụ như vacxin chó dại, ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu dinh dưỡng, thậm chí trong vài trường hợp đáp ứng còn tăng thêm như khi thiếu protein, năng lượng (Bảng 1). Tuy nhiên, khi thiếu sắt và kẽm thì đáp ứng tạo kháng thể cũng giảm (Bảng 1). Đối với những bệnh mà cơ thể chủ yếu sử dụng đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào hoặc cần cả hai loại đáp ứng miễn dịch thích ứng đặc hiệu để đối phó thì hiệu quả của vacxin bị giảm nhiều do tình trạng dinh dưỡng sai lệch. Bảng 1 cho thấy trong mọi trường hợp thiếu hụt chất dinh dưỡng, số lượng và tỷ lệ lympho T đều bị giảm, thay đổi đồng thời với sự bất triển tuyến ức. 

Tài liệu tham khảo

1. Cunningham-Rundles, S., McNeeley, D.F., Moon, A., 2005. Mechanisms of nutrient modulation of the immune response. J Allergy Clin Immunol 115, 1119-1128; quiz 1129.

Các tin khác