Vacxin và việc chủng ngừa trên heo

1. Phân loại vacxin

Tiêm chủng liên quan đến việc lợn tiếp xúc để các thành phần protein (được gọi là kháng nguyên) của các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, độc tố vi khuẩn hoặc ký sinh trùng). Một số loại vacxin có chứa các sinh vật sống đã được làm yếu để chúng không thể gây bệnh nhưng vẫn tạo ra một khả năng miễn dịch, nhưng rất nhiều các vacxin hiện nay chứa các sinh vật đã bị giết còn gọi là vacxin bất hoạt. Hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách sản xuất kháng thể tiêu diệt các tác nhân lây nhiễm, thường là bằng cách hợp tác với các tế bào lympho chuyên biệt hoặc bằng cách trung hòa các độc tố của các tác nhân gây bệnh chịu trách nhiệm cho căn bệnh này. Quá trình kích thích hệ miễn dịch được gọi là chủng ngừa. Về cơ bản, có hai loại vacxin phổ biến nhất hiện nay là vacxin sống nhược độc và vacxin chết (bất hoạt):

- Vacxin sống nhược độc (như vacxin PRRS, bệnh aujeszky (giả dại), dịch tả heo cổ điển) có lợi thế vì vi sinh vật nhân lên được ở lợn tạo ra một khối lương kháng nguyên lớn hơn giúp tạo nên đáp ứng miễn dịch lâu dài và mạnh mẽ hơn. Nhưng chúng cũng có những bất lợi là vacxin loại này có thể trở nên bất hoạt trong điều kiện bảo quản không tốt (ví dụ như ở nhiệt độ cao trên 4oC) hoặc trong quá trình sử dụng, vacxin bị tiếp xúc với các chất khử trùng hoặc sát trùng nên mất tác dụng. Một điểm quan trọng khác là vacxin nhược độc có nguy cơ biến chủng thành vi sinh vật có độc lực trở lại. 

- Vacxin bất hoạt (vacxin chết) có thể chứa toàn bộ các bộ phận kháng nguyên của các vi sinh vật hoặc riêng một vài đơn vị kháng nguyên đã được tổng hợp. Vacxin kháng nguyên đơn vị vẫn chủ yếu trong giai đoạn thử nghiệm. Vacxin bất hoạt cũng có thể chứa độc tố đã được sửa đổi để chúng vẫn kích thích một phản ứng miễn dịch nhưng không còn độc hại đối với con vật. Độc tố đã được sửa đổi theo cách này được gọi là Biến độc tố. Thuốc chủng ngừa cổ điển của loại này là biến độc tố uốn ván được sử dụng phổ biến ở ngựa nhưng hiếm khi ở lợn. Ở lợn, một số E. coli vacxin chống lại tiêu chảy lợn con và vacxin clostridial chống lại bệnh lỵ heo con có chứa Biến độc tố.

Các nhà nghiên cứu ở đại học Guelph, Canada đang cố gắng để phát triển vacxin trong thực vật mà heo ăn được. Sử dụng thao tác di truyền họ đang cấy các gen của vi sinh vật gây bệnh vào cây trồng để gây miễn dịch cho lợn chống lại các bệnh cụ thể khi chúng ăn các thực vậy này.

2. Vacxin tự sinh 

Vacxin tự sinh là vacxin được sản xuất bằng chính các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được phân lập từ chính đàn thú sẽ được chủng ngừa. Các sinh vật gây bệnh được phân lập, nuôi cấy, bị giết chết, và làm thành một dạng vacxin an toàn. Chúng thường được cấp phép để sử dụng trên chính trang trại có bệnh đó. Bạn nên tham khảo với bác sĩ thú y của bạn. Phương pháp này có thể có ích khi dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra mà các vacxin tiêu chuẩn thương mại không có sẵn. Vacxin loại này hiện nay hầu hết là đang áp dụng cho các bệnh do vi khuẩn, bao gồm:

  • Actinobacillus pleuropneumoniae
  • E. coli
  • Haemophilus parasuis
  • Pasteurella
  • Salmonella
  • Streptococcus suis
  • Staphylococcus hyicus 

3. Sử dụng Vacxin  

Vacxin được sử dụng phổ biến trong các trang trại nuôi lợn trên toàn thế giới bao gồm vacxin cho bệnh đóng dấu, nhiễm Parvovirus (SMEDI hội chứng), tiêu chảy E. coli, kiết lỵ do Clostridium trên lợn con, viêm phổi do Mycoplasma hyopneumoniae, hoại tử do Actinobacillus pleuropneumoniae và viêm mũi teo gây ra bởi sinh độc tố bao Pasteurella multocida. Ở nhiều nước, loại vacxin chống lại bệnh salmonellosis, PRRS và TGE cũng được sử dụng.

Trong Liên minh châu Âu tiêm phòng chống lại dịch tả heo cổ điển đã được dừng lại trong một chương trình nhằm mục đích tiêu diệt bệnh hoàn toàn. Tiêm phòng chống bệnh lở mồm long móng cũng đã được dừng lại vì một lý do tương tự. Aujeszky virus phổ biến rộng rãi ở khắp mọi nơi trong EU ngoại trừ ở Anh và Đan Mạch và vì vậy tiêm phòng Aujeszky cũng được thực hiện rộng rãi ở châu Âu trừ Anh và Đan Mạch. Một chế độ tiêm chủng toàn bộ (ngay cả các bệnh không phát hiện các ca nhiễm) cho tất cả các đàn gia súc đang được áp dụng ở một số nước như Hà Lan, trong một nỗ lực để xây dựng khả năng miễn dịch toàn đàn trên phạm vi quốc gia. Điều này giúp đỡ nhiều cho chương trình tiêu diệt các virus trên toàn quốc.

Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) đã tiêu diệt thành công bệnh LMLM, giả dại và dịch tả heo cổ điển nên không còn công tác tiêm phòng cho các bệnh này. Ở những nơi khác trên thế giới, tình hình liên quan đến các bệnh khác nhau, do đó, các chính sách tiêm chủng cũng khác nhau.

Các đường cấp vacxin

Khi sử dụng vacxin, cần phải thực hiện theo các khuyến nghị của nhà sản xuất hoặc bác sĩ thú y. Một số loại vacxin, ví dụ như vacxin của bệnh do leptospira, parvovirus và dấu son nên dùng dưới da, tốt nhất là sau tai, để tránh làm xấu quầy thịt. Do đó, kim ngắn 12 mm, loại 18 gauge thường được sử dụng cho các vacxin này. Ngược lại, vacxin E. coli phải được tiêm vào cơ bắp, nên kim 38 mm, 18-gauge là cần thiết cho lợn nái và hậu bị. Đối với heo con còn bú, kim 12mm là đủ để tiêm vào cơ bắp. Cổ là nơi thích hợp để tiêm bắp trên heo.

Một số loại vacxin được dùng theo đường uống (bằng miệng) hoặc hít qua đường mũi.

Vị trí cấp vacxin trên cơ thể

- Vacxin dạng tiêm thường kích thích một phản ứng viêm tại chỗ tiêm. Do đó, tiêm bắp có nhược điểm là có thể gây mất giá trị cảm quan của quầy thịt tại vị trí tiêm. Vì thế, cổ là vị trí tiêm bắp được khuyến cáo. Ngoài ra, kim tiêm dưới da có thể bị gãy trong quá trình tiêm nếu lợn được không được giữ yên (khống chế) đúng cách, vì vậy cần chú ý giữ chặt lợn để việc tiêm phòng được hiệu quả.

Nhiều vacxin khác nhau có thể được tiêm trên thú trong cùng một ngày nhưng nên tiêm tại các vị trị khác nhau trên cơ thể. Ống tiêm phải được kiểm tra để đảm bảo liều lượng chính xác.

Vệ sinh

- Xi lanh tiêm hoặc súng tiêm chủng phải sạch và duy trì tình trạng vệ sinh tốt. Làm sạch chất hữu cơ hoặc bụi bẩn bằng nước xà phòng ấm và rửa thật kỹ. Khử trùng bằng cách đun sôi trong 15 phút hoặc ngâm trong một chất khử trùng đã được phê duyệt. Sau đó rửa lại bằng nước vô trùng.

- Vệ sinh cũng rất quan trọng trong quá trình tiêm chủng. Nếu sử dụng một loại vacxin đóng chai, hãy dùng một cây kim khử trùng rút vacxin vào ống tiêm và sử dụng kim khác để tiêm cho lợn.

4. Hiệu quả của vacxin và các lưu ý khi sử dụng

Vacxin dạng tiêm để kích thích đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh đường hô hấp và đường ruột nói chung là không có hiệu quả như đối với vacxin tiêm để chống lại các bệnh toàn thân. Có một ngoại lệ là vacxin viêm phổi do M. hyopneumoniae bởi vì nó kích thích miễn dịch qua trung gian tế bào. Tuy nhiên, nếu vacxin Mycoplasma được cho ăn hoặc phun vào đường hô hấp trên, nó sẽ kích thích sản xuất một đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn ngay tại địa phương (ngay tại đường hô hấp). Vacxin chủng ngừa chống lại bệnh lỵ heo con là một biến độc tố và nếu được thường xuyên gây miễn dịch ở lợn nái với liều lượng phù hợp thường là có hiệu quả trong việc cung cấp kháng thể thụ động bảo vệ heo con thông qua sữa đầu.

Đôi khi vacxin không có hiệu quả tốt trên một trang trại và trong trường hợp như vậy, các khả năng sau đây cần được xem xét:

  • Vacxin bị ô nhiễm.
  • Vacxin chủng ngừa không có khả năng kích thích sản xuất đáp ứng miễn dịch cần thiết.
  • Con heo đã ủ bệnh trước khi nó được chủng ngừa.
  • Thuốc chủng ngừa đã được bảo quản không tốt. Nhiệt độ cao làm giảm hiệu quả. (Luôn luôn giữ cho vacxin trong tủ lạnh 4oC nhưng không đông đá).
  • Vacxin đã bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Thuốc chủng ngừa đã cũ.
  • Kim và ống tiêm bẩn hoặc bị lỗi.
  • Hóa chất khử trùng làm hư hại vacxin.
  • Một số heo trong đàn đã vô tình bị bỏ qua được chủng ngừa. Điều này đặc biệt phổ biến với tiêm phòng parvovirus trên nái hậu bị.
  • Vacxin kích thích đáp ứng kém vì đã có kháng thể mẹ truyền hiện diện trong cơ thể heo con và trung hòa kháng nguyên của vacxin.
  • Vacxin bị lắng đọng trong mô mỡ và không được hấp thụ. Kỹ thuật tiêm bị lỗi.

Tóm tắt

  • Thực hiện theo khuyến nghị của nhà sản xuất , đọc kỹ nhãn và kiểm tra ngày hết hạn
  • Lưu trữ vacxin trong tủ lạnh và sử dụng ngay một khi đã mở bao bì, theo yêu cầu của hướng dẫn. Không bao giờ sử dụng một loại vacxin bất hoạt đã bị đông đá.
  • Luôn luôn tuân theo các hướng dẫn ngưng dùng trước khi giết mổ khi sử dụng các hóa chất điều trị.
  • Vacxin có hiệu quả hay không phụ thuộc vào đường cấp vacxin, thời gian tiêm, số lần lặp lại và chất lượng của vacxin sử dụng.

Tài liệu tham khảo

1. Muirhead M. R., Alexander T. J. L. and Carr J., 2013. Managing Pig Health and the Treatment of Disease. ISBN 9780955501159.

2. Queensland government, 2010. Vaccination of pigs. Disease prevention and health monitoring. 

3. Swine vaccinations. Morris Veterinary Center PSC, 2013.

Các tin khác