Bệnh trong trại đẻ - viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE)

TGE là một căn bệnh rất quan trọng và lây nhiễm rất cao trong các heo con gây ra bởi một loại coronavirus. TGE virus thâm nhập vào heo bằng đường miệng, nhân lên trong các nhung mao và phá hủy chúng. Điều này diễn ra trong 24 đến 48 giờ và sau đó gây nôn mửa và tiêu chảy cấp rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Khi virus xâm nhập vào đàn có tỷ lệ tử vong lần đầu tiên ở lợn con đến 14 ngày tuổi có thể là 100%. Tỉ lệ chết giảm ở lợn hơn 3 tuần tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh của độ tuổi này vẫn cao.

Vi rút nhân lên trong ruột và bài thải với số lượng lớn trong phân. Do đó phân lợn là nguồn chính lây truyền một cách trực tiếp thông qua việc vận chuyển lợn bệnh hoặc gián tiếp thông qua các dụng cụ chăn nuôi. Virus này bị giết bởi ánh sáng mặt trời trong vòng vài giờ nhưng sẽ tồn tại trong thời gian dài bên ngoài lợn trong điều kiện lạnh hoặc đông lạnh. Nó rất dễ bị diệt bởi chất khử trùng đặc biệt là những chất sát trùng chứa i-ốt, amoniac bậc bốn và các hợp chất peroxygen.

Chó và mèo có thể chứa virut trong phân của chúng trong 2 đến 3 tuần. Chim và đặc biệt là chim sáo đá có thể lây truyền bệnh vì vậy cần quản lý thức ăn tốt, tránh để chim hoang vào ăn và lây bệnh.

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh cấp tính

Các tính năng nổi bật nhất của TGE khi lần đầu tiên xâm nhập vào đàn là tốc độ lây lan. Nó ảnh hưởng đến tất cả các loại lợn trong trang trại với triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Heo trưởng thành biểu hiện bỏ ăn ở những mức độ khác nhau và thường hồi phục trong khoảng thời gian 5-7 ngày. Đối với heo con đang bú (dưới 3 tuần tuổi), căn bệnh này là rất nghiêm trọng với triệu chứng tiêu chảy rất cấp tính với gần 100% tỷ lệ tử vong trong vòng 2 đến 3 ngày, đặc biệt là ở lợn con dưới 7 ngày tuổi, do mất nước nghiêm trọng và sự mất cân bằng điện giải. Heo con rất bẩn thỉu, ủ rũ, héo hon do mất nước. Bệnh sẽ tồn tại trong nhà đẻ trong khoảng thời gian 3-4 tuần cho đến khi lợn nái đã phát triển đầy đủ khả năng miễn dịch để bảo vệ heo con.

Bệnh mãn tính hoặc dịch địa phương

Trong đàn ít hơn 300 lợn nái, virus thường tự tiêu biến trong những trại áp dụng thủ tục cùng vào cùng ra trong trại nái đẻ và trại nuôi thịt. Trong một số đàn tuy nhiên virus sẽ tồn tại trong đàn và phát triển vì lợn con lúc cai sữa, vẫn còn chịu ảnh hưởng của kháng thể mẹ, được di chuyển vào những nơi mà virus vẫn còn tồn tại. Sau khi kháng thể mẹ truyền cạn kiệt, những con lợn này bị nhiễm và tạo điều kiện cho phép virus nhân lên. Những con lợn này sau đó chứa và bài thải virus, gây ô nhiễm các chuồng cai sữa và lây nhiễm cho những lứa cai sữa tiếp theo. TGE có thể trở thành dịch địa phương trong đàn gia súc với  hình thức bệnh nhẹ dù tỷ lệ mắc bệnh cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp.

Chẩn đoán

Hình ảnh lâm sàng trong bệnh cấp tính là khá rõ ràng và ít lẫn lộn với bệnh khác. Không có bệnh đường ruột khác mà có thể lây lan rất nhanh chóng trên tất cả các lợn con. Chẩn đoán cuối cùng của TGE phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm từ ruột của một con lợn chết tươi bằng các xét nghiệm kháng thể huỳnh quang. Phân lập virus cũng được thực hiện.

Các bệnh tương tự

Dịch tiêu chảy cấp có thể có triệu chứng lâm sàng tương tự TGE cấp nhưng mức độ cấp tính thấp hơn và tỉ lệ tử vong ở heo theo mẹ ít hơn. Nhưng khi TGE đã trở thành mãn tính thì việc phân biệt với các nguyên nhân khác của bệnh tiêu chảy phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Nếu đàn gia súc đã bị nhiễm TGE và sau đó vấn đề tiêu chảy cứ tiếp diễn hoài thì cần thiết phải xác định xem virus vẫn còn tồn tại trong trại hay không.

Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu cho TGE.

Cấp kháng sinh toàn thân qua đường tiêm hoặc đường miệng bằng cách trộn thức ăn hoặc pha nước uống để làm giảm nhiễm trùng thứ phát.

Cung cấp vitamin và chất điện giải.

Cải thiện việc chăm sóc môi trường của chuồng đẻ bằng cách cung cấp thêm đèn nhiệt và chất lót chuồng nhằm tạo cho heo con chỗ nghỉ ngơi ấm áp. Giảm ô nhiễm do phân tiêu chảy và giảm sự lây lan bằng cách vệ sinh sát trùng thường xuyên. 

Quản lý và phòng ngừa

Ngay khi nghi ngờ có bệnh, phải lập tức cách ly những nhà đẻ chưa bị nhiễm bệnh, bằng cách sử dụng nhân viên và dụng cụ chăn nuôi, đồ bảo hộ riêng biệt. Điều này đặc biệt quan trọng ở lợn con dưới 14 ngày tuổi. Hạn chế được thời gian lây lan của bệnh càng lâu càng tốt để giảm tỷ lệ tử vong. Nếu có thể, hãy di chuyển lợn nái 3 tuần trước đẻ đến một khu đẻ sạch bệnh trước khi chúng bị nhiễm.

Điều cần thiết là phải phát triển khả năng miễn dịch trong các con lợn nái khô càng sớm càng tốt bằng cách: thu thập các phân tiêu chảy vào tô hoặc mùn cưa hoặc khăn giấy rồi cho vào máng nái khô và nái mang thai cho chúng ăn. Cũng có thể lấy ruột non từ một số con lợn đã chết thay vì lấy phân cho nái ăn. Bệnh nên được lan truyền càng sớm càng tốt trên toàn bộ trang trại. Mục đích là để có được một khả năng miễn dịch tốt phát triển trong thời gian ngắn nhất có thể. Sẽ mất khoảng 3 đến 4 tuần để đạt được điều này.

Một khi đợt bệnh qua đi, cần tái lập hệ thống quản lý cùng vào cùng ra cho tất cả các lứa tuổi heo bao gồm trại đẻ, trại cai sữa và trại lợn thịt đang lớn cũng như trại vỗ béo.

Khử trùng chuồng trại bằng các chất khử trùng chứa iốt hoặc một hoạt chất rất mạnh chống lại virus. Quá trình làm sạch này là một phần quan trọng để đảm bảo virus không tiếp tục tồn tại trong trại và có nguy cơ trở thành dịch địa phương. Xem lại các qui trình vệ sinh an toàn sinh học cho trại như: tiêu độc sát trùng định kỳ, các hố sát trùng cho phương tiện và nhân viên ra vào, hạn chế du khách, sử dụng đồ bảo hộ lao động, quy trình cách ly người và heo mới mua.

Hạn chế sự xâm nhập của chim trời vào chuồng trại. 

Tiêm chủng: mục tiêu là để duy trì khả năng miễn dịch trong sữa đầu. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách kích thích đường ruột của lợn nái để sản xuất kháng thể trong sữa. Do kháng nguyên virus TGE xâm nhập qua đường ruột của nái và kích thích sản xuất kháng thể truyền qua sữa. Vì vậy, tiêm bắp vacxin TGE cho phản ứng rất kém. Ngoài vacxin thương mại, trại có thể thực hiện quy trình autovacxin như đã trình bày ở trên.

Tài liệu tham khảo

1. Muirhead M. R., Alexander T. J. L. and Carr J., 2013. Managing Pig Health and the Treatment of Disease. ISBN 9780955501159.

2. www.vetmed.vt.edu. TRANSMISSIBLE GASTROENTERITIS IN PIGS.

Các tin khác